Âm nhạc trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung

Âm nhạc trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung

  Kim Dung quan niệm âm nhạc cũng như một thứ võ công , có thể giúp người ta dưỡng thương, chữa bệnh, mê hoặc và khắc chế địch thủ. Trên đất nước Trung Quốc rộng lớn, đa chủng tộc và sắc tộc nhiều loại hình âm nhạc đã ra đời và đã hình thành. Trong những tác phẩm võ hiệp của mình, Kim Dung đã dành cho âm nhạc một vị trí quan trọng. Âm nhạc có ở khắp mọi nơi. Trong tác phẩm võ hiệp của ông, ta bắt gặp cái vỏ là sự đấu tranh của võ lâm đầy đau thương, sắt máu nhưng cái ruột chính là tâm hồn nghệ sĩ khoáng dật, thanh thoát.

     Có những tác phẩm mà âm nhạc như một sợi chỉ xuyên suốt, trở thành cốt lõi, chi phối toàn bộ và tạo nên cái hồn cho tác phẩm. Đó là Tiếu ngao giang hồ. Tác phẩm này lấy chủ đề từ một bản nhạc cầm tiêu hợp tấu giữa bạch đạo và hắc đạo, giữa chính và tà. Đó là bản nhạc hợp soạn giữa hai người nghệ sĩ, hai nhân vật võ lâm tiêu biểu: Lưu Chính Phong, sư đệ của chưởng môn phái Hành Sơn và Khúc Dương, trưởng lão của Nhật Nguyệt thần giáo. Vốn xưa, họ là người đứng ở hai thái cực, hai thế lực đối nghịch với nhau, coi nhau như cừu hận. Nhưng rồi âm nhạc đã nối kết tình bạn của Lưu – Khúc lại và người này nhìn ra bản chất nghệ sĩ tài hoa của người kia. Tiếu ngạo giang hồ ra đời như kết quả của hai tâm hồn đồng thanh, đồng điệu và đồng cảm, một khúc nhạc có khả năng hoá giải sự phân biệt giữa chính và tà, xoá nhoà biên giới thù hận giữa hắc và bạch.

   Lưu Chính Phong và Khúc Dương, một cầm một tiêu, đã tấu khúc nhạc này đạt tới đỉnh cao nhất của âm nhạc khoan hoà trung chính, khi mau sầm sập, khi khoan thai, chỗ trầm lắng, chỗ cao vút tương thông tâm ý. Lưu Chính Phong ăn mừng thọ 60, muốn rửa tay gác kiếm để tìm tháng ngày ung dung tự tại giữa một đời đấu tranh trá nguỵ. Thế nhưng phái Tung Sơn mà lãnh tụ là Tả Lãnh Thiền đã huy động hết lực lượng của Hoa Sơn, Hằng Sơn, Thái Sơn nhằm ngăn cản hành động của Lưu Chính Phong, vu cáo rằng Lưu Chính Phong kết bạn tà ma, buộc Lưu phải tìm cách giết Khúc Dương, chặt đứt mối quan hệ với Nhật Nguyệt thần giáo. Không đồng ý với cách bán bạn cầu vinh, Lưu Chính Phong đã phải nhận thảm kịch nhà tan người chết, bản thân bị trọng thương. Khúc Dương nhanh tay cứu bạn, đưa bạn chạy về dưới núi Hành Sơn. Nơi đây, hai đại cao thủ đã hợp tấu lần sau cùng trước khi qua đời rồi trao bản nhạc lại cho đệ tử của phái Hoa Sơn là Lệnh Hồ Xung.

    Phải chăng, khát vọng Tiếu ngạo giang hồ không bao giờ có thể thực hiện giữa một cuộc sống đầy đua tranh thù hận, chia rẽ và bạo lực? Cầm bản đàn của hai bậc tiền bối, Lệnh Hồ Xung phiêu bạt giang hồ, thân danh tàn tạ, bị khinh miệt, bị đánh, bị vũ nhục, bị vu cáo. Người ta cứ đinh ninh rằng đó là một loại bí lục võ công thượng thặng! Lệnh Hồ Xung gặp nàng Doanh Doanh trong ngõ Lục Trúc thành Lạc Dương, ngỏ hết nỗi đau thương của đời mình, trong đó có niềm đau về mối tình đầu tan vỡ. Doanh Doanh đã dạy cho Lệnh Hồ Xung khúc đàn Thanh tâm phổ thiện chú để duy trì mạng sống. Âm nhạc trở thành một liều thuốc chữa bệnh tâm thần, tạo nên sự hưng phấn, đem lại nguồn sống cho Lệnh Hồ Xung. Đoạn dễ thương nhất của Tiếu ngạo giang hồ là đoạn Doanh Doanh đàn Thanh tâm phổ thiện chú ru cho Lệnh Hồ Xung ngủ. Cuối cùng âm nhạc cũng không đủ tác dụng vực dậy một tâm hồn đau thương trong một thể xác đã suy tàn, nàng đành cõng tình lang lên chùa Thiếu Lâm, chịu bị cầm tù để tình lang được chữa trị. Kết thúc của Tiếu ngạo giang hồ, sống một đời hoà bình, hạnh phúc, ung dung, khoái lạc.

     Tiếu ngạo giang hồ đưa ra một luận điểm triết lý sâu sắc: con người sinh ra không thể sống một mình, cũng không thể sống hai mình khi tâm ý chẳng tương thông. Khát vọng của Tiếu ngạo giang hồ chính là tình thương yêu con người đằm thằm. Sự giao hoà âm nhạc tạo nên giao hoà tình yêu và chỉ có tình yêu chân chính mới đạt đến hạnh phúc làm người.

     Trong Tiếu ngạo giang hồ, ta bắt gặp một loại hình âm nhạc khác – âm nhạc lang thang của chưởng môn phái Hành Sơn Tiêu Tương Dạ Vũ Mạc Đại tiên sinh. Với vóc dáng điêu linh cổ quái, người chưởng môn ấy từ chối quyền lực và danh vọng, mang một cây dao cầm trong đó có giấu một thanh kiếm mỏng như lá lúa, vui chơi bốn biển năm hồ. Kiếm để trừ diệt kẻ ác, dao cầm để di dưỡng tâm hồn. Mạc Đại tiên sinh chính là hình tượng mà Nam Hoa kinh của Trang Tử thường mơ ước: “Khi cao lên chín ngàn dặm, nương mây cỡi gió mà bay”. Tiếc thay, ông ta chưa đạt được phong cách thần tiên thoát tục đó bởi cái khúc Tiêu Tương dạ vũ mà tiên sinh thường hay hát là một “bài ca buồn bã có đi mà không có lại”. Tiếng hát của tiên sinh là tiếng hát lênh đênh trong ảo ảnh sương khói và suốt đời, tiên sinh chỉ là một nghệ sĩ lang thang. Mạc Đại là nhà du ca lớn nhất trong Tiếu ngạo giang hồ và trong toàn bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, một thứ thần tiên bị đoạ phải nhập thể và nhập thể. Nếu Doanh Doanh chơi nhạc thính phòng thì âm nhạc của Mạc Đại là nhạc du ca… (Còn tiếp)

Post a Comment